TTO - Trong chuyến khảo sát tour du lịch Trung Quốc do Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO tổ chức (từ 10 đến 15-3), nhiều cán bộ văn hóa, du lịch Việt Nam đã chụp ảnh cùng bức băng rôn kỳ quặc.
Nhiều cán bộ ngành văn hóa, du lịch Việt Nam chụp ảnh cùng tấm băng-rôn ở Trung Quốc - Nguồn ảnh: FacebookTrong những bức ảnh được một số thành viên trong đoàn khảo sát đăng trên trang Facebook cá nhân, có hình ảnh đoàn Việt Nam, trong đó có cán bộ của Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch (Bộ VH-TT&DL) và các cán bộ tại chức cũng như đã về hưu của Sở VH-TT&DL Hà Nội, chụp ảnh cùng đoàn Trung Quốc với tấm băng rôn lớn có dòng chữ tiếng Việt viết không dấu.
Trong tấm băng rôn, phía trên hàng chữ Trung Quốc là dòng chữ tiếng Việt, nhưng được viết không dấu. Tên nước Việt Nam cũng không được viết hoa, trong khi đó, tên địa danh địa phương Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) lại được viết hoa rất lớn: “Nhiet liet chao mung doan lu hanh viet nam Sang tham quan khao sat TRUONG GIA GIOI”.
Về sự việc này, chiều 22-3, Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, thì được ông Tiến xác nhận, bản thân ông có tham gia đoàn khảo sát địa phương Trương Gia Giới của Trung Quốc vừa rồi, và có mặt trong đoàn chụp ảnh cùng bức băng rôn trên.
Ông Tiến cũng xác nhận, tham gia đoàn khảo sát còn có: ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL ông Mai Tiến Dũng, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội; ông Trịnh Xuân Tùng, trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL Hà Nội; ông Trần Đức Hải, trưởng phòng quản lý cơ sở lưu trú (Sở VH-TT&DL Hà Nội)…
Ông Trương Minh Tiến cho biết, đoàn do CLB lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức, đi sang Trung Quốc trong 6 ngày, nhằm mục đích khảo sát, kết nối tour lữ hành với khu Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc).
Trả lời về bức ảnh có tấm băng rôn viết không dấu và không viết hoa đất nước Việt Nam, ông Tiến giải thích, tấm băng rôn đó là do đoàn Trung Quốc tự làm để chào mừng đoàn Việt Nam.
Ông Trương Minh Tiến phân tích: “Theo thông lệ quốc tế thì chữ Trung Quốc (đất nước chào mừng) phải ở bên trên, và chữ Việt Nam (quốc gia được chào mừng) sẽ ở bên dưới. Nhưng đoàn Trung Quốc rất trọng thị đoàn chúng tôi, nên đã phá thông lệ ấy, để chữ tiếng Việt ở hàng trên chữ Trung Quốc. Chứ đây không phải băng rôn do đoàn Việt Nam mang đi."
"Tuy nhiên, trong băng rôn phía bạn in để chào mừng đoàn Việt Nam có mắc lỗi sai chính tả. Hôm sau về, nhận được thông tin phản ánh, tôi có xem lại tấm băng rôn, về mặt chính trị thì nó không có gì sai phạm, chỉ có mắc một lỗi là lỗi chính tả. Tôi cho rằng, phía bạn không có ý đồ gì, mà chỉ là do không hiểu ngữ pháp và tiếng Việt”.
Giải thích thêm về sự việc có nhiều cán bộ văn hóa, du lịch của Việt Nam đứng chụp ảnh cùng bức băng rôn sai chính tả đó, ông Tiến giải thích: “Trước khi đi, chúng tôi cũng có ý thức, nhưng khi xuống tàu thì người ta đã chờ đón ở đó rồi, nên những chi tiết này, chúng tôi cũng không để ý lắm, giá như chúng tôi để ý, phát hiện ra lỗi chính tả thì sẽ đề nghị bạn là băng rôn này sai lỗi, nên thu lại”.
Có mặt trong bức ảnh, ông Mai Tiến Dũng, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội giải thích rằng: “Chúng tôi là khách được phía bạn Trung Quốc mời. Chúng tôi sang đến nơi, họ chuẩn bị tiếp đón rất chu đáo. Còn khẩu hiệu đó, có sơ suất là chữ “Việt Nam” không viết hoa, nhưng chữ “Sang” lại viết hoa. Chúng tôi phát hiện ra, nhưng đây là khẩu hiệu do phía bạn chuẩn bị trước, nên nếu bảo người ta hạ khẩu hiệu đó xuống cũng rất dở. Đúng là có sơ suất đó, và chúng tôi cũng có góp ý với phía bạn là các bạn làm khẩu hiệu, mà chữ “Việt Nam” không viết hoa là không đúng. Phía bạn cũng đã xin lỗi, rút kinh nghiệm”.
Trong bức ảnh trên, còn có mặt ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), nhưng trong suốt chiều ngày 22-3, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông, để xác minh sự việc, nhưng đều nhận được thông báo từ tổng đài “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được!”
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150322/can-bo-van-hoa-viet-nam-chup-anh-phan-cam-o-trung-quoc/723890.html
Không có nhận xét nào